Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

Những lỗi tranh luận mà các phần tử Kinh doanh theo mạng cực đoan thích sử dụng

Mình không ghét những ai tham gia kinh doanh theo mạng (nhiều người gọi là bán hàng đa cấp hay bán hàng trực tiếp). Gia đình mình cũng từng xài Amway với các sản phẩm bột giặt và nước rửa chén. Giá thì hơi đắt so với các mặt hàng khác cùng công dụng nhưng chất lượng cũng tốt, có điều gia đình vẫn chuộng các sản phẩm của Unilever và P&G hơn nên chỉ xài Amway cho biết.

Gần đây có một bạn bên Amway cứ kêu mình gia nhập công ty này, nói là công việc này sẽ đem lại cho bản thân người tham gia những giá trị mà những công việc khác không mang lại được. Mình không biết chính xác những giá trị này là gì vì mình không đủ thời gian và kiên nhẫn để lắng nghe hết, vì bạn này cũng như các bạn kinh doanh theo mạng trước đây thích rủ rê người khác (là mình đây) tham gia mạng lưới phân phối và việc kinh doanh theo mạng sẽ đem lại một mức thu nhập khổng lồ, nghe đã nhàm tai luôn rồi nên không hứng thú nghe thêm.

Nhàm tai ở chỗ nào? Ở chỗ cách lập luận của các bạn này (những người từng mời minh tham gia kinh doanh theo mạng để có thu nhập khổng lồ) rất thiếu thuyết phục. Bài viết này sẽ tổng hợp một vài kiểu ngụy biện mà mình thường được nghe từ các bạn kinh doanh theo mạng. Cần nhấn mạnh là mình không ghét bán hàng đa cấp hay kinh doanh theo mạng, không ghét những sản phẩm của những công ty kinh doanh hình thức này mà là không hài lòng với cách lôi kéo tham gia vào mạng lưới của những người tham gia với những lập luận phi logic và đầy cảm tính, sốc nổi, khích tướng. Còn mình vẫn hoan nghênh việc các bạn KDTM chân chính đưa sản phẩm tốt đến người tiêu dùng, cũng như các hình thức bán hàng khác, tôn trọng hai nguyên tắc “tiền trao cháo múc” và “đôi bên cùng có lợi”.

Dưới đây là những kiểu ngụy biện mà mấy bạn ấy, những bạn thích lôi kéo tham gia mạng lưới cho bằng được hay sử dụng:

1/ Ngụy biện dựa vào uy tín và thương hiệu cá nhân:
Các bạn kinh doanh theo mạng (KDTM) khi ra sức thuyết phục mình thường nói “Rất nhiều tỷ phú như Bill Gates, Robert Kiyosaki hay những người nổi tiếng như Bill Clinton, Jim Rohn đã ra sức khen ngợi kinh doanh theo mạng, thậm chí Bill Gates đã từng nói nếu được bắt đầu lại từ đầu sẽ tham gia kinh doanh theo mạng. Vậy tại sao bạn lại không tham gia khi tỷ phú hàng đầu thế giới đã khẳng định như vậy?”
Trước hết, uy tín và thương hiệu của một người không đảm bảo rằng tất cả những điều người đó nói, người đó làm đều đúng đắn hết thậm chí trong lĩnh vực mà họ cực kỳ am hiểu. Họ có uy tín và thương hiệu là nhờ những điều họ nói và làm đã được chứng minh là đúng đắn và có sức ảnh hưởng. Kiểu ngụy biện này thường được dùng trong cuộc sống, ví dụ “Bố tôi là giáo viên thanh nhạc có tiếng tăm và ông nhận xét Bằng Kiều hát hay hơn Tuấn Hưng, vì vậy anh nên xem lại khi nói Tuấn Hưng hát hay hơn Bằng Kiều”. Kiểu lập luận này là không chấp nhận được vì mỗi người cảm thụ âm nhạc theo cách khác nhau.

2/ Ngụy biện dựa vào đám đông:
Các bạn KDTM thường nói “Hàng chục triệu người trên toàn thế giới đang theo đuổi KDTM” hay “Rất nhiều cuốn sách viết về kinh doanh theo mạng như là một hình thức kinh doanh tốt nhất” để biện minh rằng mình nên theo số đông, nên kinh doanh theo mạng. Đây là một dạng ngụy biện vì điều mà nhiều người cho là đúng cũng chưa chắc là đúng, ví dụ trước đây Giáo hội Thiên chúa và hàng triệu con chiên ngoan đạo đều cho rằng Trái Đất là trung tâm của vũ trụ và Mặt Trời xoay quanh Trái Đất. Ở đây mình không bàn tính đúng sai, mà chỉ nói là liệu công việc này có phù hợp với bản thân hay không thôi.

3/ Ngụy biện “nói một nửa sự thật”:
Các bạn KDTM nói “Rất nhiều người đã thành công với hình thức kinh doanh theo mạng nhờ quyết tâm cao và sự kiên trì bền bỉ” để thuyết phục mình nếu kinh doanh theo mạng với sự kiên trì thì sẽ thành công. Đây là một dạng ngụy biện vì cũng có rất nhiều người kinh doanh theo mạng với sự kiên trì nhưng vẫn thất bại (thất bại ở đây theo ý mấy bạn đó là sống không an nhàn hưởng thụ). Trong cuộc sống sự kiên trì là một yếu tố cần thiết để giúp một người thành công, nhưng chỉ kiên trì thôi vẫn chưa đủ vì còn nhiều yếu tố khác tác động, “Thiên thời Địa lợi Nhân hòa”.   

4/ Ngụy biện “chỉ trích cá nhân”:
Đây là loại ngụy biện mà các bạn KDTM thường dùng khi gần như như hết thuyết phục nổi người nghe. Các bạn ấy hay nói “Công việc hiện tại của bạn không đem lại thu nhập cao cho bạn” hoặc “Bạn là sinh viên ngành xxx không phải khối ngành kinh tế nên không hiểu gì về hình thức kinh doanh này” hoặc “Bạn không biết gì, không hiểu gì về kinh doanh theo mạng cả mà lại từ chối vì người khác nói vào”. Những câu này dân KDTM thường dùng để khích tướng, tùy đối tượng mà lòng tự ái hay sự hoang mang của những đối tượng này bị chạm tới và đến một mức nào đó người ta sẽ theo luôn.

5/ Ngụy biện “đánh tráo chủ đề”
Đang lôi kéo người khác tham gia mạng lưới bán hàng để có một mức thu nhập khủng mà cứ bị người nghe bàn ra hoặc từ chối thì các bạn KDTM sẽ chuyển chủ đề từ việc có thu nhập khủng sang sản phẩm tốt, kiểu như câu “Sản phẩm của XXX rất tốt và được rất nhiều người trên khắp thế giới sử dụng và đánh giá cao. Tại sao bạn lại không tham gia mạng lưới phân phối của XXX chúng tôi?”. Chúng ta thấy rõ ràng là việc sản phẩm tốt và tham gia mạng lưới chẳng liên quan gì đến nhau cả.

6/ Ngụy biện “đánh lạc hướng chủ đề”
Các bạn KDTM cũng thường hay nói “Bạn nên tham gia mạng lưới vì công việc này sẽ đem lại nhiều giá trị cho bản thân và cho những người xung quanh thông qua những sản phẩm tốt và giá cả phải chăng”, một kiểu đánh lạc hướng chủ đề vì các bạn KDTM ban đầu đề cập đến công việc có mức thu nhập cao để thuyết phục người ta đến nghe. Việc có thu nhập cao và việc đem lại giá trị không có ảnh hưởng gì đến nhau cả. Ví dụ: Bán ma túy có thu nhập cao nhưng không mang lại giá trị cho bản thân và người khác, còn làm Cha nhà thờ thì không cần có thu nhập nhưng đem lại nhiều giá trị cho mọi người xung quanh.

6/ Ngụy biện “luận điệu ngược ngạo”:
Bạn nói công việc KDTM không đem lại mức thu nhập tốt bằng việc làm giám đốc/kiểm toán/kế toán trưởng/…, vậy bạn có thể chứng minh cho tôi thấy tại sao không bằng được không?” Mấy bạn KDTM đi thuyết phục người ta tham gia mạng lưới bán hàng thay vì đưa ra những dẫn chứng cụ thể về thu nhập của công việc này thì lại hỏi kiểu như trên nhằm làm người nghe bối rối, làm cho họ tạm thời im lặng để mà có đất chém gió tiếp.

7/ Ngụy biện “đánh trái khái niệm”
Rất nhiều người thất bại, mãi mãi làm công cực khổ chỉ để đủ sống vì không chịu tham gia kinh doanh theo mạng”. Đây là ngụy biện đánh tráo khái niệm, chưa bàn đến việc liệu những người không tham gia KDTM có cực khổ thật sự hay không mà vấn đề đang bàn tới là liệu việc tham gia KDTM mang tới một mức thu nhập cao tới đâu.

8/ Ngụy biện “dựa trên sự ngẫu nhiên”
Có anh A kia không chịu tham gia kinh doanh theo mạng, hiện giờ anh ấy đang là một kẻ làm công ăn lương bình thường chỉ đủ sống và không ai biết đến. Vì vậy nếu không muốn giống anh A bạn phải tham gia KDTM”.  Chưa bàn đến việc ví dụ này có thật hay không, ở đây sự trùng khớp giữa việc không tham gia kinh doanh theo mạng và thu nhập đủ sống chỉ là một điều ngẫu nhiên nhưng được các bạn KDTM khái quát luôn thành một quy luật tất yếu, vậy là sai.

9/ Ngụy biện “lợi dụng câu chữ”
Rất nhiều bạn trẻ năng động và nhiệt huyết đang tham gia KDTM. Bạn còn trẻ nên cứ thử, đừng bỏ lỡ tuổi trẻ của mình”. Câu này thường được dùng để nhắm vào các bạn trẻ, vì các bạn trẻ thường có xu hướng nghiêng về chữ “năng động và nhiệt huyết” khi dùng để mô ta bản thân.
 “Rất nhiều người đã chọn cách kiếm tiền thuần túy và đại trà là làm công ăn lương, vì thế chúng ta nên có một lối đi tạo nên sự khác biệt bằng việc tham gia KDTM”. Câu này được dùng nhắm vào những bạn trẻ, đặc biệt là các bạn thích khẳng định cá tính vì họ không thích chữ “đại trà” đượ dùng trong câu trên mà các bạn thích “tạo nên sự khác biệt” hơn.

10/ Ngụy biện dựa vào lòng trắc ẩn
Các bạn KDTM thuyết phục tham gia mạng lưới cả buổi không được thì bắt đầu nói “Mình đã tốn rất nhiều thời gian và công sức để nói cho bạn biết về KDTM, hồi sáng cũng có khao bạn một chầu bánh ú, chẳng lẽ bạn không tin mình hay sao? Bạn thấy mình có lợi dụng bạn cái gì bữa giờ chưa?” . Dân mình hay ngại ngại (trước đây khi còn SV năm 2 vì thương đứa bạn Amway nên mình đã mua sản phẩm Amway về dùng cho biết) nên nhiều khi cũng tặc lưỡi mua đại một món hàng nào đó rồi trở thành nhà phân phối luôn để người ta khỏi ngại khi người ta chào mời nữa.

11/ Ngụy biện “lí lẽ chẻ đôi”
Quyết định tham gia mạng lưới KDTM hay chấp nhận làm một công việc chỉ đủ sống suốt đời, do bạn quyết định cả”. Đây là kiểu ngụy biện lí lẽ chẻ đôi, vì trong thực tế có hơn hai lựa chọn để có một mức thu nhập cao (bạn có thể mở công ty, đầu tư chứng khoáng, buôn bán nhỏ,…) chứ không phải chỉ làm công hoặc chỉ tham gia KDTM. Mà thực ra có nhiều công việc làm công, làm thuê cũng mang lại mức thu nhập cao khủng khiếp còn hơn làm chủ một công ty nhỏ nào đó.

12/ Ngụy biện “lí lẽ ngớ ngẩn”
“Tôi chưa từng thấy ai tham gia KDTM mà thất bại cả, vì vậy nếu bạn tham gia KDTM chắc chắn bạn sẽ thành công”.

13/ Ngụy biện “câu hỏi phức hợp”
Bạn có muốn tham gia KDTM để trở thành người thành công hay không?” Đây gọi là ngụy biện bằng việc đặt câu hỏi phức hợp, vì câu hỏi trên bao hàm 2 câu hỏi “Bạn có muốn tham gia KDTM không?” và “Bạn có muốn trở thành người thành công không?”. Ai chẳng muốn trở thành người thành công trong cuộc sống nên chắc chắn câu trả lời sẽ là “Có” và vô tình đồng ý luôn rằng việc KDTM sẽ giúp chúng ta thành công.

Còn rất nhiều kiểu ngụy biện khác mà các bạn KDTM hay sử dụng khi lôi kéo người ta tham gia mạng lưới cho bằng được. Ai mà đã và đang hoặc sẽ tham gia KDTM đừng đánh đồng bản thân với các bạn KDTM mà mình đề cập trong bài nhé. Nếu bạn là một người bán hàng chân chính, muốn có thu nhập dựa trên việc đưa những sản phẩm tốt đến tay người tiêu dùng và cho người khác biết về cơ hội kinh doanh này thì cứ tập trung công việc của mình và sẽ chẳng có ai nói gì cả. Người ta chỉ nói, chỉ ghét những kẻ thích lôi kéo người khác tham gia mạng lưới kinh doanh cho bằng được mà thôi.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét